HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN: MÔN MỸ THUẬT

Thứ bảy - 29/09/2018 08:32
                                                  HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN
                                                           MÔN MỸ THUẬT CẤP THCS
                                                                   Năm học 2018 – 2019
 
Căn cứ vào nhiệm vụ năm học 2018-2019, Sở GDĐT Hà Nội hướng dẫn công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bộ môn Mỹ thuật một số vấn đề như  sau:
1. Hoạt động dạy và học
- Nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện giảng dạy Mỹ thuật ở tất cả các khối lớp 6,7,8,9 ở 100% các trường THCS.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học cấp THCS, THPT theo hướng tinh giảm nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phù hợp với mục tiêu giáo dục và điều kiện dạy học môn Mỹ thuật của Bộ áp dụng từ năm học 2011-2012.
- Tiếp tục chỉ đạo triến khai thực hiện dạy học theo chủ đề đối với tất cả các khối lớp theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong bộ môn; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với nội dung bài học; Đa dạng hóa các hình thức dạy học, ngoài dạy học ở trên lớp cần chú ý các hình thức dạy học tại di sản, thực địa, bảo tàng...; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo...
      Toàn bộ chương trình ở mỗi khối lớp xây dựng thành 10 chủ đề (theo nội dung đã được tập huấn tại Công văn số 2173 ngày 7/7/2017) chia cho 2 học kỳ (riêng lớp 9 xây dựng thành 07 chủ đề); mỗi chủ đề có từ 2 đến 4 tiết học trên cơ sở nội dung sách giáo khoa hiện hành (có thể lược bỏ, thay thế bổ sung bằng những nội dung khác phù hợp điều kiện giảng dạy và thực tế địa phương đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ theo qui định của Bộ); Tăng cường liên hệ thực tiễn để tăng tính hấp dẫn của bài học, giúp học sinh dễ dàng hiểu bài và thấy được kiến thức gần gũi với cuộc sống; Chú trọng mục tiêu giáo dục tư tưởng đạo đức, định hướng thái độ, hành vi cho học sinh thông qua những nội dung kiến thức bài học.
- Đối với các trường tham gia thí điểm “dạy học theo mô hình trường học mới”: dạy theo chương trình thí điểm của Bộ.
- Chỉ đạo triển khai dạy học lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh vào các nội dung bài học theo tinh thần Công văn số 3464/KH-SGDĐT ngày 16/8/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Tiếp tục chỉ đạo lựa chọn tích hợp giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường vào nội dung các bài học.
- Tiếp tục chỉ đạo sử dụng di sản văn hóa trong dạy học theo Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16/01/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đảm bảo 100% giáo viên lên lớp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, kế hoạch dạy học thể hiện được tinh thần đổi mới nội dung, phương pháp, khai thác triệt để hiệu quả của đồ dùng dạy học nhằm phát huy cao nhất tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh trong học tập bộ môn. Khuyến khích giáo viên khai thác, sử dụng hợp lý các phương tiện dạy học hiện đại phù hợp với đặc thù môn học.
- Vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, tìm kiếm tư liệu, sử dụng linh hoạt các phần mềm hỗ trợ, các tiện ích phù hợp với công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập bộ môn.
2. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh
      Tiếp tục thực hiện đánh giá kết quả học tập bộ môn của học sinh bằng nhận xét theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông;(đánh giá định kỳ thực hiện ở chủ đề 3 và chủ đề 5).
- Tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh phải được căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn, bám sát mục tiêu bài học và phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời quan tâm tới ý thức học tập của học sinh đối với bộ môn. Tuyệt đối không đưa ra những yêu cầu quá cao về kỹ năng, vượt quá khả năng của đại bộ phận học sinh, dễ dẫn đến sự sai lệch trong đánh giá.
- Khuyến khích đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học; đánh giá qua bài thuyết trình (nhận xét, giới thiệu sản phẩm …)...
3.  Công tác bồi dưỡng, nghiên cứu 
- Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của  tổ/ nhóm chuyên môn thực hiện theo công văn 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 của Bộ và công văn 10801/SGDĐT-GDTrH ngày 31/10/2014 của Sở.
- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chuyên môn giáo viên Mỹ thuật trên địa bàn quận, huyện, tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn định kỳ (2 lần trong 1 học kỳ, báo cáo về Sở trước ngày tổ chức 01 tuần), tăng cường cho giáo viên được sinh hoạt, trao đổi chuyên môn theo nhóm hoặc cụm trường, bằng nhiều hình thức khác nhau như dự giờ, tổ chức chuyên đề về chuyên môn, phương pháp; đặc biệt quan tâm tới các vấn đề nội dung lồng ghép để thống nhất thực hiện, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng đúng mục tiêu môn học.
- Tổ chức, chỉ đạo giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuyên đề trên lớp cũng như đi thực tế, nâng cao ý thức vận dụng kiến thức trong quá trình bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy.
- Trong điều kiện trang thiết bị, đồ dùng dạy học của môn Mỹ thuật chưa được cung cấp, đáp ứng đầy đủ, các Phòng GDĐT cần có kế hoạch cụ thể rà soát nhu cầu của giáo viên, học sinh để trang bị tài liệu học tập thống nhất, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo; động viên khuyến khích và hỗ trợ giáo viên sáng tạo đồ dùng dạy học, khuyến khích sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, đặc biệt là khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp nội dung bài học, với thực tế một cách hiệu quả nhất.
4. Hoạt động ngoại khoá
- Tổ chức cho học sinh các trường tham gia các cuộc thi vẽ tranh hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nhà trường xanh, sạch đẹp, xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh; chấp hành nghiêm túc Luật giao thông, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV-AIDS và các tệ nạn xã hội...tạo sân chơi nghệ thuật, bổ ích, góp phần làm phong phú các hoạt động giáo dục hiệu quả trong nhà trường.
- Tạo điều kiện để học sinh được tham dự các cuộc thi và triển lãm tranh vẽ của thiếu nhi do các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài ngành phát động.      
- Khuyến khích nhà trường, giáo viên tổ chức các câu lạc bộ Mỹ thuật, lớp vẽ ngoài giờ cho học sinh được tham gia hoạt động và phát triển năng khiếu.
Trên đây là một số hướng dẫn cụ thể về hoạt động chuyên môn trong năm học 2018-2019. Các quận huyện vận dụng có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị mình.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây