HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN :BỘ MÔN LỊCH SỬ
Thứ sáu - 28/09/2018 22:13
HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN
BỘ MÔN LỊCH SỬ CẤP THCS NĂM HỌC 2018 - 2019
Thực hiện chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn bộ môn Lịch sử cấp THCS của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa gửi tới các nhà trường hướng dẫn hoạt động chuyên môn môn Lịch sử năm học 2018 -2019 như sau :
1. Về việc thực hiện qui chế chuyên môn
- Các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học lịch sử với khung thời gian 37 tuần thực học (học kỳ I: 19 tuần, học kỳ II: 18 tuần), đảm bảo thời gian kết thúc học kỳ I, kết thúc năm học thống nhất toàn quận, huyện và đúng với khung PPCT của Bộ. Căn cứ vào khung PPCT của Bộ tự xây dựng Kế hoạch dạy học môn Lịch sử của từng trường. Kế hoạch dạy học có đủ thời lượng dành cho bài tập, ôn tập, dạy học lịch sử địa phương, các chủ đề dạy học và kiểm tra định kỳ. Kế hoạch dạy học phải được thống nhất trong tổ/ nhóm chuyên môn và được Lãnh đạo nhà trường phê duyệt.
- Rà soát nội dung môn lịch sử với các môn học khác như Ngữ văn, Địa lý, GDCD để điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tích hợp, liên môn phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của từng lớp học.
- Đảm bảo 100% giáo viên lên lớp có giáo án mới hoặc đã bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh. Giáo án phải được soạn theo hướng thiết kế các hoạt động học tập.
- Thực hiện dạy đủ các giờ dạy theo quy định, các tiết bài tập và các tiết dạy lịch sử địa phương Hà Nội.
- Thực hiện các qui định về hồ sơ, sổ sách chuyên môn, về số đầu điểm theo qui định và lưu đề kiểm tra viết.
- Thực hiện nghiêm túc các văn bản về "Hướng dẫn kiểm tra đánh giá xếp loại" của Bộ và Sở, Cập nhật định hướng kiểm tra đánh giá theo hướng “mở” nhằm kiểm tra năng lực, phẩm chất của học sinh.
- Tổ chức tốt việc dự giờ, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn trong tổ/ nhóm.
- Tuân thủ hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học (giảm tải) trong SGK của Bộ GD&ĐT.
2. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh gia
a. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng cập nhật yêu cầu đổi mới kì tuyển sinh vào lớp 10 THPT, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, quán triệt các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Soạn giáo án theo hướng thiết kế các hoạt động học tập của học sinh, GV là người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển các hoạt động học tập đó, sắp xếp hợp lý các hoạt động học tập của học sinh, phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm...
- Bài soạn của giáo viên tránh dàn trải, xác định được những đơn vị kiến thức cơ bản, trọng tâm và tập trung các phương pháp, phương tiện và tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập của học sinh làm nổi bật kiến thức trọng tâm, tạo điểm nhấn cho bài giảng, giúp học sinh theo dõi tập trung, có định hướng không gây tâm lí chán nản, căng thẳng, mệt mỏi.
- Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong bộ môn; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với nội dung bài học.
- Tăng cường liên hệ thực tiễn để tăng tính hấp dẫn của bài giảng, giúp học sinh dễ dàng hiểu bài và thấy được kiến thức sách vở gần gũi với cuộc sống.
- Chú trọng mục tiêu giáo dục tư tưởng đạo đức, định hướng thái độ, hành vi cho học sinh thông qua những nội dung kiến thức lịch sử.
- Xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phát triển tư duy của học sinh. Tăng cường ra các câu hỏi tạo điều kiện để học sinh được bày tỏ quan điểm, chính kiến ngay trong giờ học về những sự kiện, hiện tượng lịch sử.
- Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp phù hợp với bài dạy và đối tượng học sinh, tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
b. Đổi mới hình thức tổ chức dạy học
- dạy học, ngoài dạy học ở trên lớp cần chú ý các hình thức dạy học tại di sản, thực địa, bảo tàng...; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: dạy học trực tuyến, trường học kết nối...
- Coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.
- Tích cực triển khai công tác nghiên cứu khoa học đối với học sinh trung học; động viên học sinh trung học tích cực tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật năm học 2018-2019 theo hướng dẫn tại công văn số 3521/BGDĐT-GDTrH ngày 17/8/2018 của Bộ, kế hoạch Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh của Sở GDĐT Hà Nội.
- Tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học theo Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16/01/2013 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Dulịch.
c. Đổi mới kiểm tra, đánh giá
Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng cập nhật yêu cầu đổi mới kì tuyển sinh vào lớp 10 THPT, đồng thời chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất, đánh giá quá trình học tập của học sinh, cần quán triệt các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi và kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.
- Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra, đề thi theo ma trận với 4 mức độ: nhận biết; thông hiểu; vận dụng; vận dụng cao, đảm bảo nguyên tắc cập nhật yêu cầu đổi mới kì tuyển sinh vào lớp 10 THPT, đồng thời phù hợp với đối tượng và nhu cầu học tập của học sinh. Chú ý đảm bảo chất lượng đại trà, quan tâm đến giáo dục mũi nhọn, tuyên truyền về việc đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo đúng quan điểm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước tạo điều kiện để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
- Khuyến khích đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…). Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra thường xuyên hiện hành.
- Kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và nhận xét, góp ý lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, hướng dẫn, sửa sai, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.
3. Hoạt động bồi dưỡng chuyên môn.
a. Xây dựng các chủ đề
- Việc xây dựng các chủ đề dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh yêu cầu đối với môn Lịch sử ở các trường THCS như sau: mỗi khối lớp xây dựng 01 chủ đề /học kỳ; Các chủ đề dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh phải được thể hiện trong kế hoạch dạy học bộ môn và được thống nhất trong tổ/nhóm chuyên môn.
- Trong năm học, thực hiện 01 đến 02 chuyên đề sinh hoạt chuyên môn cho toàn huyện.
b. Sinh hoạt chuyên môn của trường, của quận, huyện
- Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ/ nhóm chuyên môn thực hiện theo công văn 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 của Bộ và công văn 10801/SGDĐT-GDTrH ngày 31/10/2014 của Sở:
+ Tập trung đổi mới sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học, trao đổi giáo án: tập trung vào những bài dài, bài khó khó, bài có nội dung giảm tải, bài có kiến thức liên môn với các môn học khác trong chương trình. Tổ/ nhóm cùng nhau thống nhất những nội dung kiến thức trọng tâm cơ bản của từng chương, từng bài, thống nhất các giáo án dự giờ, thao giảng, đề cương ôn tập...
+ Việc dự giờ không chỉ nhận xét giáo viên mà chủ yếu thông qua việc quan sát, nhận xét hoạt động học tập của học sinh để từ đó điều chỉnh việc tổ chức dạy học của giáo viên.
4. Về các kỳ thi với học sinh
- Thi HSG cấp huyện; thành phố đối với học sinh lớp 9
+ Hình thức thi: Tự luận
+ Thời gian làm bài: 120 phút (cấp huyện); 150 phút (cấp thành phố).
+ Thang điểm 20.
+ Phạm vi: kiến thức nằm trong toàn bộ chương trình cấp học trong đó chủ yếu là kiến thức của lớp 9 gồm phần lịch sử thế giới từ sau 1945; Lịch sử Việt Nam đến thời điểm thi; Lịch sử Hà Nội phần lớp 8.
+ Các trường cần chú ý bồi dưỡng cho học sinh biết cách xâu chuỗi các kiến thức đang học với những kiến thức đã học trong chương trình, mối liên hệ giữa kiến thức lịch sử Việt Nam với kiến thức lịch sử thế giới; Biết sử dụng kiến thức được học giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; gắn kiến thức lịch sử dân tộc với lịch sử địa phương Hà Nội.
- Thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (nếu có):
+ Chú ý nâng cao hiệu quả dạy học, hướng dẫn học sinh tự học, nắm chắc kiến thức cơ bản ngay trên lớp, phạm vi kiến thức nằm trong chương trình toàn cấp học trong đó chủ yếu là kiến thức lịch sử của lớp 9.
+ Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra, đề thi trắc nghiệm, tự luận bám sát ma trận đề với tỉ lệ: 50% nhận biết, 40% thông hiểu, 10% vận dụng.
5. Về dạy học lịch sử địa phương
- Thực hiện theo Công văn số 9422/SGD&ĐT-GDTrH ngày 22/9/2015.
- Từ năm học 2013-2014 dạy học lịch sử địa phương theo bộ tài liệu mới Tài liệu LỊCH SỬ HÀ NỘI –CHƯƠNG TRÌNH ĐỊA PHƯƠNG (dùng cho học sinh THCS) biên soạn năm 2013. Các trường đảm bảo để giáo viên có tài liệu dạy, học sinh có tài liệu học tập.
- Yêu cầu thực hiện chương trình đảm bảo thời lượng như sau: lớp 6 (1 tiết); lớp 7 (3 tiết); lớp 8 (1 tiết); lớp 9 (2 tiết).
- Cần kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh sau khi học tập lịch sử Hà Nội. Hình thức kiểm tra lịch sử Hà Nội cần đa dạng: kiểm tra miệng, kiểm tra viết 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kì. Nội dung kiểm tra có thể là 1 câu hỏi hoặc một phần nội dung của câu hỏi.
- Sở và Phòng GD&ĐT sẽ kết hợp kiểm tra việc triển khai dạy học Lịch sử Hà Nội trong các đợt kiểm tra, thanh tra chuyên môn đối với các cơ sở giáo dục.
- Trong Kế hoạch dạy học các tiết dạy lịch sử địa phương phải được bố trí sao cho tương đồng với lịch sử dân tộc. Lịch sử dân tộc phải được dạy trước lịch sử địa phương. Lịch sử địa phương của huyện chỉ dạy tích hợp với LỊCH SỬ HÀ NỘI, vào các tiết dự phòng, hoặc tuyên truyền bằng các hình thức khác, không dùng thay thế cho các tiết dạy LỊCH SỬ HÀ NỘI.
Trên đây là một số hướng dẫn cụ thể về hoạt động chuyên môn trong năm học 2018-2019. Các nhà trường vận dụng có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị mình.