ĐẢNG BỘ XÃ LƯU HOÀNG
TRƯỜNG THCS LƯU HOÀNG |
XÃ LƯU HOÀNG- 58 NĂM
CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG VÀ ĐỔI MỚI |
Xã Lưu Hoàng nằm ở phía tây nam huyện Ứng Hòa- thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp xã Phù Lưu, phía Nam giáp xã Hồng Quang, phía Đông giáp xã Đội Bình và phía tây giáp sông Đáy ( bên kia sông Đáy là huyện Mỹ Đức). Địa giới hành chính xã Lưu Hoàng được tạo thành bởi 4 thôn: Nội Lưu, Cáp Hoàng, Ngoại Hoàng và Thanh Bồ. Trước cách mạng tháng 8/1945 xã Lưu Hoàng thuộc Tổng Phù Lưu Thượng- huyện Hoài An- Phủ Ứng Hòa- tỉnh Hà Đông. Cách mạng tháng 8 thành công, vào tháng 3/1946 xã có tên gọi là Nguyễn Huệ. Tháng 11/1948, do nhu cầu lập liên hoàn chiến đấu chống Thực dân Pháp xã Nguyễn Huệ đã sáp nhập với xã Phù Lưu thành đơn vị xã với tên gọi xã Lưu Nguyễn.. Đến 7/1956 trong thời kỳ cải cách ruộng đất, xã Lưu Nguyễn lại được tách ra thành 2 xã là Phù Lưu và Lưu Hoàng ngày nay.
Lưu Hoàng có tổng diện tích tự nhiên là 383,18 ha với 1.321 hộ; 5.114 nhân khẩu (tính đến tháng 6/2020). Với vị trí “cận lộ, cận giang” Lưu Hoàng là xã sớm thu hút con người đến tụ cư, vì vậy trước cách mạng tháng 8/1945 Lưu Hoàng là xã có mật độ dân số cao nhất huyện Ứng Hòa. Với đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp vì vậy toàn thể nhân dận trong 4 làng(thôn) có tính cộng đồng cao. Từ thế kỷ XIV- XV Lưu Hoàng phát triển thêm nghề thủ công nghiệp và buôn bán, xã Lưu Hoàng là xã có nghề “Sơn mài”, “kéo sợi” sớm nhất huyện Ứng Hòa, giúp cho đời sống nhân dân được cải thiện và ủng hộ kháng chiến.
Dưới chế độ thực dân phong kiến, do bị áp bức bóc lột, nhiều thanh niên trong xã trở thành các trí thức yêu nước, họ đã thành lập các “Hội kín” cùng tham gia khởi nghĩa. Các đền, chùa ở xã Lưu Hoàng đã trở thành địa điểm liên lạc của nghĩa quân Tán Thuật và là nơi in dấu chân hoạt động cách mạng của đồng chí Đỗ Mười- nguyên Tổng bí thư BCH TW Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Cách mạng tháng 8 thành công, thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”, với phong trào ”tuần lễ vàng”, nhân dân trong xã đã ủng hộ Chính phủ 4.000 đồng và 2,5 lạng vàng. Cũng trong thời gian này Ủy ban hành chính xã được thành lập, 03 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, đó là đồng chí Nguyễn Văn Phan (Bí thư chi bộ đầu tiên),Vũ Trung Nguyên và Kiều Ngọc Tỷ. Tháng 5/1946 Xã Nguyễn Huệ thành lập Chi bộ đầu tiên với tổng số 7 đảng viên.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Lưu Nguyễn đã trải qua nhiều năm ròng rã kháng chiến, với truyền thống yêu nước, anh dũng kiên cường hàng trăm người dân trong xã đã tham ra vào Ban “tiêu thổ kháng chiến” với nhiệm vụ phá các tuyến đường giao thông 22, 75 (đào hố,đắp các ụ to) để cản đường tiến quân của địch.Với khẩu hiệu “Rào làng kháng chiến”, “ đào hầm trú ẩn’, “mỗi làng là một pháo đài” nhân dân trong xã ngoài phong trào kháng chiến đánh giặc còn thi đua sản xuất và tham gia bình dân học vụ để diệt “giặc đói, giặc dốt”, “quét sạch nạn mù chữ”. Với mục tiêu biến Lưu Nguyễn trở thành “ Khu trắng”, thực dân Pháp đã cho xây dựng hệ thống đồn bốt kiên cố với chủ trương“ một con ruồi cũng không thể lọt qua” để tạo ách kìm kẹp nhân dân, tiêu diệt cán bộ, đảng viên tham gia kháng chiến. Chúng ra sức chém giết, đốt nhà của những người dân vô tội trong xã. Hiện nay, trên đường quốc lộ 21B, đầu dốc Bồ vẫn còn 03 bốt giặc, nơi đây đã ghi dấu ấn hy sinh của các cán bộ cách mạng- anh hùng liệt sĩ Trịnh Mỹ Thiều, Kiều Văn Tạo, Nguyễn văn Đãi. Song dù ác ôn đến đâu chúng cũng không thể làm nhụt ý chí yêu nước của Chi bộ Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã. Tháng 3/1962 Tỉnh ủy Hà Đông đã quyết định cho Lưu Hoàng thành lập tổ chức cơ sở đảng 2 cấp. Đại Hội lần thứ nhất được triệu tập với sự tham dự của 45 đảng viên, bầu đồng chí Nguyễn Văn Tại làm Bí thư Đảng bộ. 5 chi bộ lần lượt được thành lâp (04 chi bộ thôn, 01 chi bộ giáo dục- y tế) để lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh xây dựng CNXH và tích cực chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965- 1975). Bên cạnh phong trào thi đua yêu nước thanh niên nô nức tòng quân diệt giặc, phong trào sản xuất để đóng góp “sức người, sức của” của nhân dân xã Lưu Hoàng cũng được dấy lên. Các Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã sơn mài, Hợp tác xã tín dụng, Hợp tác xã mua bán đã đẩy mạnh hoạt động, thu hút nhiều nhân lực tham gia, với phong trào ”Mọi người làm việc bằng hai” đã mang lại nhiều của cải để chi viện cho kháng chiến, cho Miền Nam và kiến quôc. Lưu Hoàng thành một trong những xã có số tiền gửi tiết kiệm cao nhất huyện. Công tác văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm, đặc biệt là cuộc vân động nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng. Trường cấp 2 Lưu Hoàng chỉ sau một vài khóa học đầu tiên đã được công nhận là trường điểm của huyện trong phong trào “thi đua dạy tốt- học tốt”, trường được Công đoàn tỉnh Hà Tây khen ngợi trong phong trào “ Công đoàn là tổ ấm”.
Trải qua chiều dài lịch sử trường kỳ kháng chiến, kiến quốc, xã Lưu Hoàng đã có 01 mẹ Việt Nam anh hùng, 72 Liệt sĩ, 20 Thương binh, 12 Bệnh binh và 16 quân nhân tham gia kháng chiến bị nhiễmchất độc hóa học. Họ đã góp phần làm lên trang sử vẻ vang của dân tộc, làm rạng danh quê hương Lưu Hoàng anh hùng.
Hôm nay, trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Lưu Hoàng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, ra sức thi đua quyết tâm phấn đấu phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực Kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị- xã hội để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp, văn minh. Đảng bộ xã có 8 chi bộ với 185 đảng viên, Đảng bộ nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ “Trong sạch vững mạnh”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Toàn xã đã có ¾ làng đạt “Làng văn hóa”, Bốt bồ, Chùa Ngoại Hoàng, Đền Thanh bồ được xếp hạng “ Di tích lịch sử” , trường Tiểu học, trạm y tế xã đã đạt Chuẩn. Bộ mặt nông thôn đang từng ngày đổi mới khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Đảng bộ và nhân dân xã Lưu Hoàng quyết tâm về đích “Xây dựng Nông thôn mới” vào cuối năm 2020, phấn đấu trở thành đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới.../.