Kinh nghiệm ôn tập và làm bài thi trắc nghiệm

Thứ ba - 19/03/2019 11:19
                    KINH NGHIỆM ÔN TẬP VÀ LÀM BÀI THI TRẮC NGHIỆM
Lần đầu tiên, Lịch sử trở thành môn thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm học 2019 - 2020. Vì vậy, thí sinh cần trang bị cho mình những phương pháp, kỹ năng ôn luyện phù hợp, tránh tình trạng "học tủ" một cách bài bản.

Vận dụng công thức 5W Và 1H

Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh nên vận dụng công thức 5W và 1H, không phải thuộc lòng quá nhiều mà quan trọng là phải tư duy, hiểu rõ bản chất của từng mốc lịch sử.



Theo phương pháp này, học sinh sẽ nắm được các nội dung trọng tâm trong chương trình, nắm vững kiến thức cơ bản, ghi nhớ và hiểu những sự kiện cốt yếu gắn với thời gian, địa danh, nhân vật lịch sử.
Trong quá trình ôn tập, học sinh phải chỉ ra đâu là những ý lớn, đâu là chi tiết, minh họa, phải biết tóm tắt bài học và diễn đạt sơ đồ ý, dàn ý của từng bài. Đó cũng là cách để hệ thống kiến thức, chỗ nào quên thì mở sách xem lại nhằm rèn luyện khả năng làm chủ thời gian, khả năng diễn đạt nội dung, văn phong trong bài thi.
Chỉ có 60 phút để làm bài thi, học sinh không nên để mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi nào đó, vì thời gian trung bình mỗi câu chỉ khoảng 1,5 phút. Không cần làm theo thứ tự câu hỏi, với những câu dễ thí sinh hãy làm trước, khoảng thời gian còn lại sẽ "chiến đấu" với những câu khó sau.

Lập sơ đồ tư duy kết hợp với từ khóa

Đặc thù của môn Sử là hiện hữu nhiều mốc sự kiện, không gian, thời gian nên học sinh phải hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn.
Học sinh làm "sơ đồ tư duy" dựa trên nguyên lý từ "cây" đến "cành" đến "nhánh", từ ý lớn sang ý bé. Nhờ đó, các em sẽ thấy các bài học sẽ trở nên ngắn gọn hơn, súc tích và dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Từ những kiến thức, sự kiện, vấn đề cơ bản của từng bài, từng chương, từng phần trong sách giáo khoa hiện hành, thông qua sơ đồ tư duy, học sinh sẽ tự biết cách tổng hợp và xâu chuỗi kiến thức theo trình tự, trật tự kiến thức và lý giải các mối quan hệ tác động biện chứng, nhân quả giữa các vấn đề, sự kiện.
Tiếp theo, học sinh cần đọc kỹ yêu cầu của câu hỏi và tìm "từ khóa", có thể lấy bút chì khoanh tròn "từ khóa" đó để lựa chọn phương án trả lời với những kiến thức nào. Đây được xem như cách giúp học sinh giải quyết câu hỏi nhanh nhất và không bị lạc đề hay nhầm kiến thức.
Nếu thí sinh không nhớ chính xác phương án trả lời một số câu hỏi thì không nên đoán mò hoặc làm theo kiểu "phủ xanh đất trống" một cách may rủi mà cần dùng phương pháp loại trừ.
Hơn nữa, thay vì đi tìm đáp án đúng, học sinh hãy thử tìm phương án sai cũng là cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.
Đặc biệt, với thi trắc nghiệm sẽ có những đáp án gây nhiễu, đáp án khá giống nhau, vậy nên học sinh phải đọc kỹ sách giáo khoa để hiểu rõ, kết nối các sự kiện với nhau rồi phân tích câu trả lời và chọn ra đáp án đúng.
Tự trả lời trước… đọc đáp án sau
Đối với bài thi liên quan đến môn Lịch sử khi mà các đáp án thường "na ná" nhau khiến bạn dễ bị rối. Sau khi đọc xong câu hỏi, bạn nên tự trả lời rồi đọc tiếp phần đáp án xem có phương án nào giống với câu trả lời mình đưa ra hay không. Chớ vội đọc ngay đáp án vì như thế bạn rất dễ bị phân tâm nếu như kiến thức của mình không thực sự chắc chắn.
Dùng phương pháp loại trừ
Một khi bạn không có cho mình một đáp án thực sự chính xác thì phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu giúp bạn tìm ra câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án cũng thường không khác nhau nhiều lắm về nội dung, tuy nhiên vẫn có cơ sở để bạn dùng phương án loại trừ bằng "mẹo" của mình cộng thêm chút may mắn nữa. Thay vì đì tìm đáp án đúng, bạn hãy thử tìm phương án sai… đó cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt. 
Khi bạn không còn đủ cơ sở để loại trừ nữa thì hãy dùng cách phỏng đoán, nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời… đó là cách cuối cùng dành cho bạn.
Phân bổ thời gian và nhớ không được bỏ trống đáp án
Việc đầu tiên là đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, xem những câu nào mình biết rồi thì nên khoanh ngay đáp án vào phiếu trả lời (bạn nhớ dùng bút chì để có thể sửa đáp án nếu cần thiết). Sau khi làm hết những câu hỏi "trúng tủ" của mình thì chọn những câu hỏi đơn giản làm trước, vì bài thi trắc nghiệm các câu hỏi đều có thang điểm như nhau chứ không giống như bài thi tự luận.  
Chính vì vậy câu hỏi khó hay dễ cũng đều có chung phổ điểm, nên bạn hãy làm câu dễ trước để đảm bảo đạt tối đa số điểm. Chú ý phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào, nếu không biết đáp án thì hãy dùng phỏng đoán hay kể cả may mắn cũng được, điều bạn cần là không được để trống đáp án, đó cũng là một cơ hội dành cho bạn.
"Trăm hay không bằng tay quen"
Trước sự mọi sự thay đổi, hay nói cách khác là một cách thức thi mới, thì điều tất yếu là bạn buộc phải tập làm quen với nó. Không ai tài giỏi gì để có thể thích ứng ngay với cái mới, điều này cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm, các bài thi cũng vậy, thiết nghĩ ngay từ bây giờ bạn nên giải nhiều đề thi trắc nghiệm hơn, tập dần với các câu hỏi trắc nghiệm như thế. Bạn sẽ tìm được những lỗi mà mình thường gặp phải cũng như tìm được một phương pháp giải tối ưu cho bài trắc nghiệm.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây